Chung tay vì thương hiệu yến sào Việt Nam

Tại đại hội thành lập Hiệp hội Yến sào Việt Nam (SFA) tổ chức mới đây ở TPHCM, nhiều vấn đề được đặt ra đòi hỏi SFA với vai trò là tổ chức ngành nghề cần tập hợp được nguồn lực, chung tay cùng giải quyết giúp cho nghề nuôi yến có thể phát triển một cách vững chắc.

Chung tay vi thuong hieu yen sao Viet Nam - Anh 1

Công đoạn sau thu hoạch, làm sạch tổ yến tại Trung tâm Chế biến yến sào Việt Linh (huyện Cần Giờ) Ảnh: PHIÊU NHIÊN

Phát triển và sự cân bằng

Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, nghề khai thác tổ yến đã có từ lâu đời, nhưng nghề nuôi yến (xây nhà để dẫn dụ yến vào ở) tại Việt Nam còn khá mới mẻ. Những năm cuối thập niên 1990, nhiều địa phương đã phát hiện một số ngôi nhà cổ (đặc biệt là các ngôi nhà theo kiến trúc của Pháp với lối thiết kế cao, rộng) có đàn yến vào sinh sống một cách tự nhiên. Nhiều người đã thu hoạch được tổ yến từ đàn yến sống trong nhà (ở các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Tiền Giang…). Có thể nói, đây là thời điểm khởi động cho công nghệ nuôi yến lấy tổ ở Việt Nam.

Theo SFA, việc xuất hiện (xây dựng) ngôi nhà yến đầu tiên ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TPHCM) vào năm 2003 đã đánh dấu giai đoạn chuyển đổi thật sự từ nghề khai thác tổ yến (yến sào) tự nhiên ở các đảo sang dẫn dụ yến vào nhà ở để làm tổ. Cũng theo SFA, tốc độ xây dựng nhà yến mới tăng 23% – 25%/năm. Hiện nay, ở 41 tỉnh/thành có khoảng 6.000 nhà yến, không chỉ trải dọc vùng ven biển miền Trung đến ven biển cực Nam, mà còn ở khu vực Đông Nam bộ lên Tây Nguyên. Đặc biệt, các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Ninh Bình và TP Hải Phòng cũng xuất hiện nhà yến.

Việc dẫn dụ yến vào nhà làm tổ đã trở thành một nghề đem lại lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nhà khoa học hàng đầu và uy tín nghiên cứu về yến nhà, đã lo ngại nhắc nhở: Cần tính đến sự cân bằng sinh học giữa đàn yến, nguồn thức ăn và nhà yến, để hạn chế tình trạng thất bại. Thông tin về các trường hợp thành công đã làm cho nhiều người tuy chưa hiểu biết nhiều về yến mà chỉ có năng lực tài chính cũng lao vào tìm nơi xây nhà yến. Trong thực tế, người thất bại không phải là số ít, nếu không nói là khá cao. Nhiều người đã phải ngậm đắng khi bỏ tiền tỷ ra xây nhà dẫn dụ mà yến không vào, thậm chí yến vào ở một thời gian lại vỗ cánh ra đi (!?). Nghề nuôi yến không đơn giản chỉ là việc xây nhà rồi dùng loa phát ra âm thanh dẫn dụ yến vào, mà đây là một nghề đòi hỏi kiến thức tổng hợp đa ngành. Cần có sự am hiểu về hệ sinh thái môi trường, sự cân bằng sinh học, hiểu biết về loài yến cũng như về kỹ thuật xây dựng nhà và kỹ thuật dẫn dụ. Không thể cứ có khả năng về vốn, mời nhà tư vấn kỹ thuật và xây dựng thi công là xong. Điều đáng nói, không phải nhà tư vấn kỹ thuật nào cũng am hiểu tường tận, đặt chữ tâm lên hàng đầu và có cùng trách nhiệm nếu việc xây nhà và dẫn dụ yến bị thất bại.

Nhà yến vùng lạnh?

Việc xây dựng nhà yến lan ra các tỉnh ven biển phía Bắc (có 4 mùa và mùa đông nhiệt độ xuống rất thấp) cũng là vấn đề cần đặt ra xem xét. Những nghiên cứu trước đây cho thấy, quần thể yến chủ yếu sống từ phía Nam đèo Hải Vân (giáp TP Đà Nẵng) trở vào. Vì vậy, khi ở TP Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình xuất hiện nhà dẫn dụ và yến vào sinh sống đã là điều làm các chuyên gia ngạc nhiên, nhưng cũng băn khoăn. Trong đợt rét đậm mùa đông năm 2015 tại các tỉnh phía Bắc (từ TP Huế trở ra), hàng chục ngàn con yến đã chết. Theo SFA, số này có thể lên 50.000 con, đã đặt ra nhiều vấn đề khi chúng ta thu hút quần thể yến ra khu vực có mùa đông giá lạnh. Theo bà Diệu Thu, muốn phát triển nuôi yến ở vùng lạnh thì còn nhiều thứ phải giải quyết, như điều tra hệ sinh thái vùng, ngưỡng nhiệt độ phù hợp đặc điểm sinh lý của chim yến, biên độ và nhiệt độ mà yến có khả năng đi kiếm mồi, công nghệ tăng nhiệt trong nhà yến với giá vừa phải và an toàn, công nghệ nuôi côn trùng để cung cấp thức ăn cho đàn yến…

Một vấn đề không kém phần quan trọng, đó là việc đảm bảo chất lượng tổ yến. Về cơ bản, tổ yến là sạch và an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yến sào Sài Gòn Anpha (TPHCM), cho biết hiện nay, ngoài phương pháp dẫn dụ tự nhiên là các chất từ mùi tổ yến, chất thải từ đàn yến thải ra, các chất dẫn dụ nhập nội, một số người còn sử dụng chất tạo mùi hóa học để thay thế. Điều quan ngại khác là tình trạng quản lý chất lượng sau thu hoạch tổ yến. Việc làm sạch phân chim, làm trắng tổ yến cần có sự kiểm soát và quản lý của cơ quan chuyên môn, để loại trừ tình trạng sử dụng hóa chất. Kỹ thuật xây dựng nhà yến như thế nào để phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam cũng là điều nên tiếp tục khảo sát để tổng kết. Ngoài ra còn phải giải quyết các vấn đề: Mối quan hệ giữa người nuôi và người không nuôi yến, khi âm thanh dẫn dụ phát ra làm cho không ít người khó chịu, nhất là các nhà yến trong nội thành; vùng nuôi như thế nào là phù hợp, nuôi rải rác hay quy hoạch tập trung; nhà yến trong nội thành giải quyết ra sao; mối quan hệ với các ngành nông nghiệp khác…

Những vấn đề trên đòi hỏi ngành yến, trong đó có vai trò quan trọng của SFA với tư cách là một hiệp hội ngành nghề, cùng bắt tay vào giải quyết. Để có thể phát huy khả năng của cộng đồng, SFA cần tập hợp được các nhà nuôi yến thành công, các doanh nghiệp thu hoạch hàng tấn/năm trở lên, các doanh nghiệp chế biến tổ yến, có hệ thống tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hàng đầu, đã có thương hiệu trên thị trường, cùng bắt tay vào làm vì một thương hiệu yến sào Việt Nam!.